Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

 THÁI ĐỘ "NÂU LẮC"

Hôm nọ, đọc trang của ông bạn đồng môn Văn Công Hùng.
Đúng ra, phải gọi lão là tiền bối, vì lão khóa 1 mà tôi khóa 6 lận. Nhưng mà, nếu không nhập ngũ, thuận theo tự nhiên, tôi đã học khóa 0 (ý là trước lão một khóa), vậy, lão phải gọi tôi là tiền bối.
Diễn giải gay gắt thế là vì sợ nhiều người hỏi, ông tuổi gì 😛
Bỏ đi. Cuối bài nhắc lại cho rõ.
Đang nói về chuyện lão điểm tin.
Hôm đó có chuyện "Nâu lắc". Lúc đọc, tôi đã nghĩ không ra dù lão đã giải thích, và dù giải thích, cũng có comment phản ứng.
Mấy hôm sau mới thấy cái clip ấy trồi lên. Xem xong, tôi lại càng không hiểu "nâu lắc" là thứ nước uống nào.
Thoạt đầu, tôi cũng nghĩ là do cách gọi ở các nơi khác nhau. Ở trỏng, cà phê nâu tức là cà phê sữa (đen pha trắng thành nâu); ngoải thì gọi hẳn cà phê sữa.
"Nâu lắc", dù chưa từng biết nhưng đoán là cà phê sữa đá, có đá mới lắc lên. Đoán là vì tôi chỉ uống trà, 40 năm trà sáng. Mãi sau do mấy lần đi với Thảo King nên... không thể không uống, gọi là uống nịnh. Sau đó thì kiên quyết bỏ vì ghét. Ghét cô King vì đã hứa giao cho lính làm nhưng lính không liên kết mở King coffe ở Đồng Hới, nơi đứa em mình đã xây dựng rất đẹp. Giờ là Luxe Coffee . Có lẽ cô ấy ghét mình trước mà mình...tưởng.
Giờ thì thỉnh thoảng (vì cũng tật uống nịnh) nhưng vẫn là người ngoại đạo cà phê. Uống xong trốn ra ọe đọa.
Vấn đề là, sau khi xem clip, nghe bà cô nhân vật "nâu lắc" bảo là không uống đường mới gọi nâu lắc, nhưng có sữa thì ngọt, tức sữa có đường, OK. Vậy làm sao cho nó ra "nâu"? Đang nghĩ thế thì đến đoạn cô ấy bảo tôi không uống được cà phê nên mới gọi nâu lắc.
(Vụ này hơi giống vụ gọi ếch xào sả ớt, bưng ra thì kêu không ăn được sả, cũng không ăn được ớt. À không, không giống, nếu nói không ăn được cả ếch mới giống).
Vậy thì nâu lắc không phải cà phê mà là món gì đó. Nhiều người comment giải thích đó là món ca cao. Vậy thì tôi thực sự không biết thật.
Quanh co một hồi thế cho có vẻ nghiêm trọng thôi chứ vấn đề muốn nói là thái độ. Ừ nhỉ. Sao không thể bình tĩnh giải thích cho rõ ràng một chút? Có rất nhiều thứ các vùng miền gọi khác nhau dẫn đến hiểu nhầm là có thể.
Trách bà cô đó (ngữ điệu hùng hồn quá mức bình thường) nhưng cũng trách chủ quán. Tiếc gì ly cà phê (như cô bé sinh viên làm phục vụ nói không uống thì cô ấy bị trừ tiền công), ngồi xuống hỏi cho ra nhẽ rồi làm lại cho người ta, nhỉ? Như thế còn biết "nâu lắc" là gì để sau này ứng xử, phải hay không?
Nói cho sang vậy thôi chứ trong trường hợp đó tôi cũng chưa chắc làm được. Đại để là, nó giống chuyện cô Thảo King bảo giao lính làm, xong không thành, tôi ức lắm. Có ghét tôi rồi thì cũng nói rõ ràng ghét không làm chứ? Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Tại sao tôi không hỏi trực tiếp cô ấy để biết nguyên do mà trả đũa bằng cách... ghét lại liền.
Cả triệu người mê King, tôi không uống thì cô ấy vẫn cứ... đẹp như thường, tuổi gì?
Cho nên, rút kinh nghiệm, mở đầu stt này phải nói kỹ về Văn Công Hùng là thế đấy, rõ ràng. Nói tóm lại là nên bỏ thái độ "nâu lắc". Như vậy là tôi có tiến bộ, phải không? 😛 😛 😛

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

 LÃO GIÀ

Có lần, chồng tôi viết chuyện anh ấy hay nấu nước chanh sả ngâm chân cho tôi, nhiều bạn (nữ) trẻ vào bình luận, có vẻ thần tượng anh chồng này lắm, tôi mới viết về dưới đó, nói đại ý rằng, chuyện là thế nhưng nó không đẹp đến hoàn hảo thế đâu. Có ý khuyên, đừng tin quá vào ba chuyện viết trên mạng meo, nên đọc và biết vậy thôi.
Rồi trên trang của tôi, tôi cũng từng viết, “Giữ được một sinh vật như thế gian nan vô cùng”- “sinh vật” đó là chồng tôi.
**
Nhớ là, lúc năm 2, một đêm ôm chồng sách vở (hồi đó sinh viên ở nội trú trong Cư xá 27 Nguyễn Huệ- Huế, đêm lên giảng đường học bài) đi dọc hành lang tầng 2, thấy lớp Văn đàn em (họ Văn K6, tôi Văn K5) ngồi đầy đủ, trên bục là một cha quần Jean, áo xoa Pháp trắng, kiểu chẽn, tóc dài, ria mép, già không già, trẻ không trẻ đang nói mấy câu tiếng Nga. Tò mò nên nép vào tường, nhìn qua cửa sổ. Đoán là, lão đó đang phù đạo cho đàn em cùng lớp. Nghĩ bụng, cha này ở đâu ra mà coi bộ tiếng Nga (thứ mình khó nhằn) cũng được phết. Thì cũng tò mò vậy thôi chứ chả ấn tượng gì. Chị đây rực rỡ không quan tâm.
Nhưng mà, hồi đó anh này “hơi nổi” nên mọi chuyện cứ đập vào mắt.
Gần cuối năm hai, tôi hỏi một cô em ở cùng phòng, “Cái cha mà tụi bây kêu Thế Thịnh, Thế Thịnh đó linh tinh hè. Tao thấy mỗi ngày ổng đèo một đứa lên thư viện. Cô em mới nói “Anh ấy không linh tinh mô, ổng coi bọn em như em út cả í mà, em cũng thường được đèo hoài”.
Cho đến một hôm, cô em đó bảo: “Anh Thế Thịnh thích P đó, không biết à?”. Tui hứ một tiếng rõ to: “Mơ!”.
**
Hết năm 2, tôi 18 tuổi.
Mỗi buổi tối, cứ tầm 7 giờ, “lão già” lại sang phòng chọn cho tôi một vài cuốn sách rồi “áp giải” bước 64 bậc cầu thang lên giảng đường.
Hồi đó sinh viên đa số ở ký túc xá, đi học được nhà nước bao cấp, không có ai phải làm thêm hay thuê nhà trọ giống bây giờ. Công bằng mà nói, những buổi tự học như thế có khoảng 1 phần 3 thời gian là dành cho việc viết giấy trao qua đổi lại (giống như chát bây giờ). Thỉnh thoảng cũng có giải lao, các sinh viên thường ra đứng ở hành lang, bên những ô của sổ được mở cách nhau khoảng 50cm để hóng gió. Tôi với “lão già” hẹn hò vậy mà cũng được mấy tháng rồi, thỉnh thoảng cũng hay ra đứng như vậy, tôi một ô, lão một ô.
Tự nhiên hôm đó, lão đứng chung luôn với tôi bên một ô cửa (Có âm mưu rồi! Thế mà sao hồi đó mình lại không nâng cao cảnh giác nhỉ, nếu như mà nâng cao cảnh giác, mình đứng sang ô kia thì biết đâu?).Thế rồi lão nói với tôi rằng, tuần tới lớp lão (bước qua năm thứ hai) sẽ học quân sự một tháng. Lão là bộ đội về nên được miễn, có thể lão ra quê.
- Ờ. Anh ra quê giúp ba mẹ đi .
- Đố em khi nào thì anh vô?
- Ủa, nghỉ một tháng thì hết một tháng vô chớ sao.
Lão im lặng, hình như lão hơi buồn. Các cô gái khác khi người yêu thông báo sắp đi xa hình như là phải giãy nảy lên: Em sẽ nhớ anh sao chịu nổi, em hổng chịu đâu… đầy nũng nịu chớ sao lại như tôi nhỉ?
Thực ra, tôi cũng là một kẻ hay nói năng khiêu khích, lại cũng hơi dè dặt trong thể hiện tình cảm nhưng mà lúc đó chắc lão nhận thấy tôi nói điều đó ra với tất cả sự hồn nhiên chân thành. (Mà không hồn nhiên chân thành làm sao được vì tôi đâu có biết người ta xa người yêu thì sẽ thế nào). Lão cứ im lặng như thế, 5 phút, hay 10 phút trôi qua tôi cũng không biết (vì khi đứng bên người mình thích thì khái niệm thời gian không chính xác được).
Rồi bất ngờ, lão đưa tay sang nắm lấy bàn tay tôi. Trời đất ơi! “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Tôi như bị điện giật, định la một tiếng nhưng sau lưng, trong phòng kia có nhiều người đang học, dòng điện ấy chạy khắp người , tim tôi đập thình thình (nhưng mà nói thiệt là tôi thấy cũng rất dễ chịu). Mấy phút như thế nhỉ, không biết, nhưng sau đó là lão vào phòng ôm sách vở, tôi về phòng tôi, lão về phòng lão.
Đêm đó tôi ngủ với một cảm giác thật lạ lùng.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì lão đã được một người bạn chở lên tàu để về quê từ lúc nào rồi. Lão đi, mang theo của tôi những tiếng cười thơ trẻ. Lão để lại cho tôi những buổi chiều với khoảng sân mênh mông những chiếc ghế đá bên những gốc xà cừ cổ thụ xao xác lá. Những buổi tối một mình đi lên 64 bậc cầu thang để đến với dãy hành lang hun hút vẫn sáng đèn. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận ra rằng tôi đã nhớ một người đến như vậy…
**
Công bằng mà nói thì lão hiểu biết nhiều.Thật sự là nhiều.
Tôi học trước một năm, làm luận văn trước, thi tốt nghiệp trước…nhưng mà nói thật, nhờ có lão tôi đỡ vất vả ra nhiều. Không có lão kèm, chắc tôi thi tốt nghiệp môn tiếng Nga không chắc gì qua. Lão bày dễ hiểu và nhớ lâu. (Vì lão học tiếng Nga nhiều năm thời trong trường Quân sự).
Đẹp trai có một chút, tài có một chút nhưng không đến nỗi là nguyên nhân làm nên gương mặt ấy. Ai mới gặp lão cũng không có thiện cảm vì gương mặt “tao biết rồi” của lão. Chả hiểu sao gương mặt lạnh câm đó lại làm nhiều cô ấn tượng.
Lão nổi tiếng và cũng tai tiếng, rất mệt. Nội chuyện đi uống nước nghe phụ nữ bàn bên khen lão đã muốn nổ bong bóng. Ấy là chưa nói người nhiều chuyện hay giả vờ vô tình nói cho tôi nghe chuyện gì đó. Nên mới nói, chịu cho được cái sinh vật ấy vất vả vô cùng. Khổ cho tôi là lão rất lười thanh minh. Nghe tôi nói chi xong lão nhìn kiểu “tao biết rồi” cái rồi kệ.
Nói giữ là cách nói thế thôi, tôi chả mắc gì phải giữ, có giữ cũng không được. Mà ổng không giữ tôi thì thôi mắc gì tôi giữ ổng. Haha.
Thôi thì “Em thế nào thì cứ thế mà đến, đừng loay hoay sửa soạn…”. Tôi cứ như thế thôi vì tôi biết và hiểu giới hạn của anh ấy.
Nhưng con người đó cũng có cái…khác người. Lão không bao giờ giữ gì cho mình. Vợ mua gì mặc nấy, sắm gì dùng nấy. Lão còn gây gổ với công chứng không thèm đứng tên cái người ta quy định phải đứng tên chung.
Có lần vui chuyện tôi đùa: “Cũng phải lập ít quỹ đen chứ một ngày đẹp trời nào đó vợ nó bỏ rồi làm sao?”. Lão bảo: “Đến vợ mà còn bỏ thì giữ cái gì cho mệt”. Rồi lão nghiêm trọng: “Nhưng khi đuổi anh đi nên cho anh mặc cái quần đùi”. Tôi hỏi gắt: “Lúc đó còn tiếc cái quần đùi?”. Lão lại nghiêm trọng: “Ấy, không mặc, mấy bả thấy rồi về…chê chồng”. Câu đó phát ra từ miệng của một người quanh năm lạnh như cà-rem nghe hài hước lắm. Không phì cười không được.
*
Một người đàn ông giờ đã mang màu tóc khác. Có thể trong mắt những người bạn cũ, những người mới gặp, những người chưa quen... anh ấy có những chân dung khác. Có thể, tôi chưa thể hiểu hết chồng mình, nhưng thú thật tôi luôn có cảm giác anh ấy đến từ thế giới của những đứa trẻ, hồn nhiên và cũng dễ tổn thương.
Đứa trẻ con nhiều tuổi đó rất ít cười, nhưng anh ấy có nụ cười rất hiền. Lão là “Lão già”.
By PHƯƠNG

 BA VÀ CON GÁI

Tôi theo dõi kỹ và đọc hết tất cả các bài viết trên Tạp chí Gia đình Việt Nam về cuộc thi viết với chủ đề "Cha và con gái". BTC đã nghĩ ra một chủ đề rất hay. Nếu đó là một chuyên mục thì có thể viết vô thời hạn với vô vàn câu chuyện chạm đến trái tim. Và, điều quan trọng, là nó mang lại cho người đọc năng lượng tích cực.
Không chỉ "Cha và con gái", cha và con trai, mẹ và con trai, chị em gái, anh em trai, bạn bè, đồng nghiệp, thầy và trò... đều rất hay. Bất kỳ ai cũng có nhiều kỷ niệm, kể ra lay động lòng người.
Với tư cách bạn đọc, tôi thấy, đây là "đề tài rực rỡ" làm cho cuộc sống rực rỡ chứ không phải là ba cái trò nhảm nhí hiện hành.
*
Mấy hôm rồi, nhiều bạn bè fb của tôi đọc và nhận ra nhà tôi sắp có niềm vui khi gia đình có thêm thành viên mới.
Con gái tôi là người hướng nội và tinh tế, như mẹ nó. Con bé (và anh nó) không thích ba đưa ảnh hay chuyện gia đình lên fb. Nhưng ba mẹ nào cũng thế, thích nói về con. Đôi khi không kiềm chế được.
Con trai thì vẫn là con trai, con gái thì vẫn là con gái, nhưng khi chúng nó sắp có gia đình riêng thì cảm giác rất khó tả. Con gái thì đặc biệt hơn. Vì thế, thời gian gần đây, ba nó đã nhiều đêm thao thức. Nghĩ nhiều và ước, giá chi có mẹ nó bên cạnh thì bất kỳ nghĩ gì cũng vững vàng hơn.
Đàn ông, thực ra rất yếu đuối.
Vài hôm trước, cậu em bác sĩ trước đây điều trị cho P nhà mình, trong câu chuyện, vô tình kể, từ khi mẹ đi xa, con bé đã lập một cái quỹ nhỏ giúp người bệnh ở chính nơi mẹ từng điều trị, quỹ nhỏ thôi, chỉ mình nó, gửi vào đó thường xuyên.
Ba là người hay làm thiện nguyện, làm ra bao nhiêu tiền cũng làm thiện nguyện, bạn bè ba cũng cùng chung tay vào đó. Nhưng con gái không cho ba biết, chỉ âm thầm một mình.
Nghe xong, đánh rơi cả cái điện thoại,
Nó đúng là con gái mẹ nó mà.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

BÁNH CANH

 Bánh canh là món ăn quen thuộc và yêu thích của người dân vùng Bình- Trị- Thiên.

Đó là món khá dễ nấu. Hồi còn nhỏ, chỉ cần con cá lóc, hoặc vài con đam (cua đồng) hoặc ít tép, vắt cục bột (gạo, mì, sắn gì cũng được) cán ra rồi thái sợi, nấu các thứ sôi lên rồi thả vào, cho ít ớt, ít rau thơm vào là xong.
Ở quê không nêm mì chính mà nêm ruốc. Cho một thìa ruốc vào bát nước lã, đánh lên, cho vào trước khi đun vì cho vào khi nước sôi nó sẽ có mùi ruốc.
Sợi bánh canh to cỡ chiếc đũa, vì khi thái xong có lăn qua bột cho khỏi dính nên tô bánh canh nước sền sệt.
Mình thích nhất bánh canh sườn lẫn tôm. Sườn chặt nhỏ thôi.
Ba Đồn được cho là nơi nấu bánh canh ngon. Không biết trước đây sao chứ mấy lần ra ăn, tôi tuyệt đối không thích.
Bánh canh Ba Đồn nước trong veo, sợi bánh cán bằng máy nhỏ như sợi bún, các thứ trong tô rời rạc, không hoà quyện. Chỉ ram để ăn cùng thì ngon.
Nếu đã từng ngon sao làm cho nó dở đi?
Bánh canh Huế và vài nơi ở Quảng Trị (gọi là cháo vạc giường) có vẻ giữ được cách truyền thống nhất.
Nhưng bánh canh thiên về món ăn ký ức nên ngon dở còn tuỳ mỗi người.
Mình thì thậm ghét sợi thái bằng máy. Thậm ghét. 😛

KHOE ĐỒ ĂN CẮP

Mọi người hay đề cập đến vấn đề đạo đức xuống cấp và chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, đều rất đúng.

Riêng tôi có cảm nhận cá nhân, có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là sự tác động của cán bộ.
Cán bộ, dù cấp nào cũng là “tấm gương”. Cấp càng cao thì “tấm gương” càng lớn và càng trong.
Mấy năm qua, số cán bộ cao cấp bị bắt ngày càng nhiều, vi phạm của họ đều liên quan đến đạo đức. Điều đó khiến không ít người có hội chứng mất lòng tin vào cán bộ.
Cá nhân tôi, dù không hề có bằng chứng, nhưng mỗi lần nghe cán bộ thuyết giảng tôi đều rất khó tin, khó tin vì không biết ngày ngào thì sai phạm của họ được công khai.
Tôi đã từng nghe, đã từng trích dẫn rất nhiều “lời hay ý đẹp” từ phát biểu của các vị đó, và cuối cũng, đã thất vọng về nhiều trường hợp. Thật sự họ nói mà không biết ngượng mồm.
Lại nói về “tấm gương”.
“Tấm gương” của ông Nguyễn Bắc Son nhận tiền triệu đô từ một phi vụ và vào tù mới đó thôi nhưng có vẻ không làm cho các ông chủ tịch, bộ trưởng…sau đó soi được gì cả. Nói dân giã hơn là không làm họ giật mình.
Con người VN rất giỏi, bất kỳ việc gì, kể cả trong đại dịch, họ vẫn nhìn ra cơ hội kiếm tiền. Vẫn biết, đồng tiền có sức mạnh nhưng không ngờ nó còn mạnh hơn liêm sỉ.
Thật sự, tôi không biết bọn trẻ nghĩ gì khi hàng ngày hay tin có nhiều ông bà lớn sai phạm vì tiền.
Điều cơ bản nhất là họ không hề biết giữ kẽ, Vẫn ở nhà trăm tỷ, sắm xe siêu sang…một cách ngang nhiên trước bàn dân thiên hạ. Có vẻ họ coi đó là “đặc ân” mà họ đương nhiên được hưởng.
Khi con người selfie ngay cả cái có được bằng ăn cắp để khoe khoang thì thực sự cạn lời rồi.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

THẢN NHIÊN MÀ SỐNG!

Đợt dịch bệnh đầu tiên, mình cùng nhóm anh em Trương Phong ra Làng Vân ở. Lúc trên tàu, lúc lên bờ, tự thả lưới đánh cá, lên rừng hái quả…Tự do tự tại.

 

Mới nghĩ, thực ra cuộc sống rất đơn giản, sắm một bộ đồ, chất vào ba lô, đến đâu có view đẹp thì căng lều lên ở. Ba lô có tay lưới, dây câu, cái ná (súng cao su), con dao… là có thể sống khỏe.

Nhà cao cửa rộng xe nhiều như “Ông Hạ Long” quá khổ.

 

Ví dụ cái chỗ trong ảnh: Mình dọn sạch, căng cái lều, trải tấm bạt làm bàn trà, chả phải thú vị sao?



*

Trong cuộc sống, cũng đừng phức tạp hóa nó lên vì tất cả đều chả có gì phức tạp.

Ngày trước mình không uống rượu bia được nên anh Đỗ Quý Doãn vẫn gọi mình là “thợ lặn”. Không uống được thì lặn, không chào, chào sẽ bị bắt ngồi lại.

 

Sau này thấy thế cũng không xong bèn tìm cách khác: Dọa cho thiên hạ sợ.

Trên fb, mình hay dọa mỗi ngày “súc miệng” 13 chai bia, khiến ai nấy đều gọi là “Thần men đại hiệp”. Thực ra thì, mình làm việc nhiều, nguyên tắc không uống ban ngày, chỉ sau 18h, một tuần cũng một, hai lần.

Vào bàn thì nói, sắp ra cho tao 13 lon, tao chừng đó thôi, xong về.

Phủ đầu ngay làm bọn nó sợ mất dép.

Uống bia xong gom chai, lon lại trước mặt, chụp cái ảnh đưa lên fb dọa chơi!

 

Hôm nọ ngồi với vợ chồng đứa em. Nó kêu uống với anh chán, ngồi cả buổi không nói. Đúng thế đấy. Nhưng đến lúc, thấy tụi nó sắp đến ngưỡng thì cởi áo khoác ngoài, đứng lên ghế, quay một vòng, nói lớn: “Cuộc chơi bắt đầu!

Xanh mặt hết. Đứa nào cũng can: Thôi anh, thôi anh! (Thật đúng ý mình :P )

 

Hôm ở Làng Vân, có mấy anh ở TP HCM ra nổ nổ. Mình lấy cái chai nhựa 5 lít, cắt làm cái ly, bỏ đá, rót đầy bia, bảo ai chơi chơi với tui. Tụi nó tắt tiếng hết. :P



Có điều, đã không đi uống bia thì thôi, đi thì phải về sau cùng. Bọn nó nghe dọa sợ mà về chứ mình không dọa chắc gì uống song phẳng với nó được? :P

*

Mình có tiền không? Có nhưng không nhiều. Nhưng chắc chắn ít người nghĩ mình không nhiều tiền. Vì sao? Vì không nên tỏ ra thiếu tiền!

Mình kêu than không có có ai cho mình đâu, thậm chí bụng chúng nó còn khinh mình.

Mặt cứ thản nhiên đi, nói cho rổn rảng: Để tao! Tụi bây không có mà bày đặt đòi trả!

Mình trả thật. Cũng chả làm mình nghèo đi mà được cái vui. Cũng là dọa cho nó sợ để bỏ thói mở ví run run, tính tiền thì ngoảnh mặt xỉa răng…:P

*

Nói thế hóa ra mình “nổ” à? Không nổ. Nói cũng dựa trên nội lực. Quảng Bình quê tôi có câu: “Lải rãi trời đãi cho, co ro trời cho một đạp”. Trong ví có trăm ngàn cũng như 10 triệu, mặt không biến sắc. Không có rồi lại có, mấy hồi. :P

 

Thế cho khỏe.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

HAI NGƯỜI TÔI GẶP

Những ngày làm thiện nguyện, giúp đỡ bà con về quê tránh dịch, tôi gặp được hai người.

MỘT CHÀNG TRAI.
Đó là Trần Hoàng Vương, nick Vương Trần, được nhiều người biết đến trên mạng thông qua làm thiện nguyện. Tôi biết Vương cũng thế.
Sau đó tôi chơi với nó, cũng hay nhắc về nó, dường như nó cũng thế, nên hai anh em đi đâu cũng đi với nhau. Tôi biết Vương sau rất nhiều người, đặc biệt là bạn bè “tầng tầng lớp lớp” của nó, nên không thể nói là người thân nhất. Nhưng không ngày nào không liên lạc với nhau.
Tôi quý Vương ở “khí chất đàn ông”. Đối với nó, hầu như không có việc gì là khó. “Bỏ tay mặt, bắt tay trái”, nó làm bao việc, đến tôi ham việc cũng hoa cả mắt. Nhưng đó chỉ là một nét khí chất. Nét chính có thể tóm gọn trong một câu dễ hiểu: “Ngay cả khi trong thẻ không có tiền, bạn hỏi mượn nó cũng đi mượn người khác cho bạn mượn”.
Hồi làm thiện nguyện, tôi có bao nhiêu chuyển dần cho nó, đến lúc cuối, người ta ngưng hết rồi nó vẫn làm. Có lần nó điện: “Anh còn tiền cho em 15 triệu”. Hỏi chi? Bảo thuê xe cho mấy người về chứ họ tã hết rồi.
Lúc đó tôi chụp ảnh màn hình gửi nó, nhắn một cách bực bội: “Tao còn 3.456.000 đây, mi lấy 3 triệu đi để tao nhịn!”
Vậy rồi nó cũng xử lý đâu vào đó.
Một lần khác sau khi nghe đt xong nó quay sang: “Em biết anh mới có tiền, bắn sang cho em ít”. Hỏi nhiêu? “XYZ…thằng bạn mới hỏi mượn”. Tôi vừa chuyển tiền vừa cằn nhằn: “Mày mà con gái năm có bầu 12 lần”.
Nó không nhiều tiền bằng một số người chơi với nó, nhưng tôi thấy, nó mới là đứa nhiều tiền nhất. Làm nhiều, làm đến nơi đến chốn và sống rổn rảng. “Ai gọi đó, có Vương đây!”.
Nhiều lúc cũng khuyên nó thu gọn lại để còn chơi, nó cười khì khì. Sang lại cái nhà hàng thấy đã nhẹ nhàng, đang mừng thì nó lai lập tức chuyển sang NIÊU ĐỎ Restaurant (7- Phan Bội Châu) trong lúc ngày nào cũng “chốt, chốt”, ấy là chưa nói chuyện các lĩnh vực dịch vụ khác và thang máy.
Tôi có cảm giác nó là một người đàn ông quật cường, đón nhận tất cả những gì số phận ban tặng và giữ vững đức tin của mình. Ở nó toát ra một năng lượng sáng chói.
Mọi người nhìn nó thế nào không biết, tôi thấy nó thế.
Đôi khi tôi mắng: “Mày không có người vợ như con em Kiều Oanh của tao, mày chả làm cứt gì được, đừng ồn! Thực ta đời nó cũng may!
*
MỘT CÔ GÁI
Cũng quen trên mạng vì công việc thiện nguyện, sau đó cùng bạn cô ấy kết hợp làm thêm một vài việc thiện nguyện khác, nhờ thế mới gặp ngoài đời.
Cô ấy không rổn rảng như ku Vương nhưng nói một là một, hai là hai, bằng một ngữ điệu truyền cảm nhưng chắc chắn.
Cô ấy có công việc tốt, thu nhập tốt, lại còn sang trọng. nhưng rồi xin nghỉ lúc chưa tới bốn mươi.
Quen rồi mới nghe cô ấy kể chuyện gói ghém lại cuộc sống, tính toán cho con cái học hành tốt và bản thân có cuộc sống chất lượng nhất có thể.
Cô ấy không nhiều tiền nếu không nói là ít tiền (vì có lần nghe lỏm được cô ấy nói với bạn thân), nhưng có một cuộc sống cực kỳ tự do, đi rất nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều điều thú vị…
Cô ấy làm tôi ngộ ra một điều: Không cần nhiều tiền mà cần biết tính toán, “gói ghém” lại để làm cái mình thích, phục vụ nhu cầu của mình chứ không làm cái mọi người đua.
Với tôi, cô ấy là người giàu có nhất.
*
Hai người tôi gặp ở trên về khía cạnh nào đó là thầy tôi, vì học được ở họ rất nhiều.