Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

TRIẾT LÝ HÀNG HIỆU

Mình chơi với một anh cũng khá lâu rồi, không phải vì ảnh giàu có hay danh giá mà vì ảnh cũng quý mình, không chê mình ít tiền và…không danh giá.
Một hôm, ảnh đưa cái điện thoại Vertu ra hỏi, T. biết cái này nhiêu không, mình nhìn rồi đoán, khoảng 16 ngàn (đô).
Ảnh lại lột cái đồng hồ Rolex ra hỏi, cái này nhiêu? Mình đoán, khoảng 27 ngàn (đô).
(Mình đoán thế là vì mình có coi trên mạng).
Ảnh lắc đầu, bảo: Tôi mua cái điện thoại 1.800 nghìn (VND) được khuyến mãi thêm cái đồng hồ này đây.
Mình không tin.
Ảnh nói, T không tin là phải, bởi ai biết tôi hoặc nghe tên tôi cũng cho rằng tôi phải dùng hàng hiệu chứ không bao giờ dùng đồ nhái. Vì thế, quan điểm của tôi là không phải dùng cái gì mà là ai dùng.
Mình hỏi, vậy có khi nào anh ít tiền nhưng người ta cứ nghĩ anh nhiều tiền như tôi nghĩ không?
Ảnh bảo, ngày xưa tôi đã làm cho họ nghĩ thế, còn giờ thì ngược lại, đã đến lúc tôi phải công khai chuyện tôi dùng hàng nhái để mọi người nghĩ tôi…ít tiền.
Mình về nhà nghĩ ba ngày ba đêm không ra. Thôi, không nghĩ nữa. Mệt óc.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Đạo...Thánh chém lợn

Tối qua, mấy thằng tụ tập uống bia. Hầu như bao giờ cũng thế, trong cuộc uống bia thế tất nào cũng tranh nhau chém…lợn. (Xin thông báo với bà con, từ nay từ chém gió được thay bằng …chém lợn cho phù hợp với truyền thống).

Mình cũng cầm dao xông ra chém búa xua. Nói, tao vừa làm bài thơ hay về bức tượng dê đặt trong công viên, và đọc:
Thì mày cũng là Dê thôi/ Cớ sao xí xớn vô ngồi ở đây?/ Trên đầu thì có dù bay
Ở dưới chân lại đạp ngay đồng vàng./ Phải như tao mới đàng hoàng/ Đã dê mình lại phải càng giấu…dê…
Đến đó thì bọn nó ồ lên, bảo mình đạo thơ Lý…Nam Đế. Mình hỏi, Lý Nam Đế là ai, làm gì? Tụi nó bảo, Lý Nam Đế làm Trưởng Ban Tuyên giáo Quảng Bình. Mình hỏi Quảng Bình ở đâu, tụi nó bảo giáp…Quảng Tây.

Cãi không lại, bực cả mình. Đến lúc tụi nó rót bia, bảo uống. Mình nói, bia này là bia…đạo, tao đếch uống. Tụi nó hỏi, cơ sở nào nói đạo bia? Mình nói, nó có mùi vị giông giống loại bia tao từng uống, đạo. Tao chỉ uống loại bia nào không giống các loại bia khác thôi!

Tụi nó trố mắt, há hốc mồm kinh ngạc, đoạn chấp tay, vái: Dạ thưa, tụi em thua, anh đúng là Thánh chém…lợn!

Mình đứng phắt dậy, hét lên, tụi bây đừng xúc phạm tao, Thánh chém lợn tên là Hoàng… Bắc Ninh, tao không đạo…thánh, nha, nha, nha!

THE END

QUYỀN RIÊNG TƯ

Mấy hôm rồi, mình hơi phân vân về chuyện hành nghề nên đọc lại quyển Cẩm nàng biên tập viên (Ủy ban các quy tắc hành nghề biên tập viên của Hiệp hội các chủ bút). Quyển sách này được cho là bắt buộc phải có (sách vừa mới dịch sang tiếng Việt, chưa in).
Đoạn “Quyền được bảo đảm sự riêng tư” viết:
-Liệu người được chụp ảnh có đang ở chỗ riêng tư?
-Liệu lúc ấy người đó có đang ở trong phạm vi hoạt động riêng tư hay không?
Nếu hai câu trên đều trả lời là có thì các bức ảnh chụp họ có nguy cơ vi phạm bộ quy tắc một cách nghiêm trọng.
*
Ví dụ cho chuyện này, sách dẫn: Ủy ban giải quyết các vấn đề khiếu nại phân xử rằng, nhà thờ Notre Dame dù là công trình công cộng vĩ đại được đông đảo du khách tới tham quan; ngài Paul không sở hữu nhà thờ nhưng bức ảnh chụp ông đang cầu nguyện là vi phạm quyền riêng tư.
Siêu mẫu Elle chọn biệt thự trên một hòn đảo để gia đình đi nghỉ. Khi tờ Hello đăng bức ảnh cô và gia đình nghỉ ngơi ở đây, cô kiện và Ủy ban giải quyết các vấn đề khiếu nại đã phán quyết cô thắng.
*
Nhà ông Nông Đức Mạnh là chỗ riêng tư, không chỉ của ông mà cả của vợ ông.
Các đoàn đến thăm tết dù là đại diện của tập thể nào thì cũng đến chỗ riêng tư của gia đình ông và vì thế, muốn có PV cùng đi, muốn đưa các bức ảnh lên báo đều phải xin phép gia đình ông.
Nhà cô hoa hậu Kỳ Duyên đến thăm ông Vũ Khiêu, xin chữ, chụp ảnh, muốn đưa lên báo cũng phải xin phép ông.
Nếu đã xin phép, OK. Nếu chưa xin phép thì vi phạm quyền riêng tư.
*******
(Viết mấy dòng này để các em sinh viên báo chí tham khảo (và trao đổi), theo thầy, sau này khi hành nghề gặp trường hợp tương tự nên xin phép. Người chuyên nghiệp nên làm cho chuyên nghiệp. Khi nào quyển sách trên xuất bản thầy chỉ chỗ cho mà…mua. Bây giờ chưa ai kiện nhưng có lúc sẽ có người kiện)

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Thấy Xuân

NGUYỄN THẾ THỊNH

Thấy ngày như đã phiêu diêu
Thấy cây căng nhựa, thấy điều vu vơ.
Thấy mùa sáng ngẩn chiều ngơ
Thấy mưa đã sớm, thấy bờ nắng lên.

Thấy điều nhớ, thấy điều quên
Thấy ta như đã có tên là mình.
Thấy ai ở xứ thậm thình
Hình như thấy cả vô tình nơi đâu.
Thấy thơ còn thiếu một câu:
"Thấy xuân như thể lần đầu
thấy xuân".
2015.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

NGƯNG LẠI ĐI!


Sau thời điểm xúc động về sự ra đi của một con người đặc biệt, ông Nguyễn Bá Thanh, một số tờ báo bắt đầu lôi ra những chuyện ngược lại, gọi là “nốt trầm”…hay gì gì đó. Và tôi đồ rằng, vài này tới sẽ có thêm nhiều “nốt trầm” được khai thác.
Các bạn có ý định nên ngừng lại đi.
Cuộc đời của con người ai chẳng có những sai lầm, thậm chí, nhiều người tìm một người bạn đời cũng có thể sai lầm huống chi là công việc. Đặc biệt, người càng làm nhiều thì càng có nhiều cái sai, chỉ những người không làm thì không sai mà thôi.
Theo chiều hướng phản hồi tích cực, chúng ta nên nhìn một cách tổng thể để thấy được cái lớn nhất mà ông Nguyễn Bá Thanh góp phần mang lại cho người dân Đà Nẵng- đó là những gì đang hiển hiện trước mắt chúng ta.
*
Một người bạn ở xa viết trên tường nhà tôi, đại ý, cô ấy đến bây giờ cũng không biết ai là chủ tịch, ai là bí thư tỉnh thành cổ đang sống, nhưng vào Đà Nẵng, một cậu bé đánh giày cũng biết bác Nguyễn Bá Thanh.
Thật sự, phàm người dân Đà Nẵng, không ai không biết ông Nguyễn Bá Thanh. Điều nhiều lãnh đạo không dễ chi làm được.
*
Tôi biết nhiều người không nói nhưng cũng rất bực ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời. Ví dụ như họp HĐND truyền hình trực tiếp mà ổng truy cán bộ từ lãnh đạo TP đến lãnh đạo các ban ngành đến cùng, chỉ cái yếu của họ ra trước bàn dân thiên hạ như thế họ không ức mới lạ.
*
Tôi không ngần ngại khi nói, ông Nguyễn Bá Thanh là thần tượng của tôi, ở chỗ, ông là người luôn mang lại cho tôi niềm cảm hứng. Với tôi, đó đã là điều kỳ diệu hiếm hoi trong cuộc đời. Một người trong cuộc đời giúp cho mình một việc, dù việc đó không cụ thể mà là tạo cảm hứng, với tôi đã đáng để tri ân rồi.
Khối đứa nhắc đến nó ta càng thêm bực mình.
****************************
*Báo Đà Nẵng cuối tuần đã làm chuyên đề về ông Nguyễn Bá Thanh cực hay. Tiếc là không bán ở sạp nên bạn bè nhờ mua mà không có.
*Và cực kỳ thích bức ảnh này của em Hiền Tròn. Bình luận sẽ thừa.

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

“Người nông dân chân chất” Nguyễn Bá Thanh

Điếu văn gia tộc Nguyễn Bá sẽ đọc trong lễ đưa tiễn ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào ngày 18.2 thể hiện một góc nhìn khác về người con của họ tộc: “ Anh luôn là người nông dân chân chất Nguyễn Bá Thanh, người chủ nhiệm hợp tác xã của nhân dân. Người con nhân ái, hiền hòa, mộc mạc của tộc họ, quê hương!”
Than ôi,

Đời người như giấc mộng lớn. Chuyện tử sinh là lẽ thường tình. Mà sao vẫn quá đớn đau khi anh ra đi quá vội!

Đất nước đang cần anh. Thành phố đang chờ đợi anh. Nhân dân đang mong  anh mạnh khỏe trở về. Mọi người đang trông ngóng anh với bao thương  yêu, tin tưởng. Sao anh vội ra đi!...

Anh Nguyễn Bá Thanh ơi,

Người con đặc biệt của quê hương, của hợp tác xã Hòa Nhơn, của nơi chôn nhau cắt rốn Dương Sơn, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa vang, là chủ tịch, bí thư thành phố Đà nẵng ơi…

Anh là kết tinh của một vùng đất quật cường giữa những cuộc chiến tranh gian khổ. Là người con ưu tú trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Là người cha, người chồng nhân ái, người anh thân thương, người bạn chân tình của bà con tộc họ, là niềm tự hào, hãnh diện của quê hương…

Mà sao anh lại vội đi để gia đình trống vắng. Để nhân dân mất đi chỗ dựa. Để bạn bè anh em mất đi một tấm chân tình!

Anh Thanh ơi,

Trước hương linh anh, chúng tôi ngỡ như anh vẫn đang còn đó. Ánh mắt kiên nghị mà rất nhân từ. Phong thái oai hùng mà như một nông dân. Chúng tôi vẫn thấy hình ảnh anh trong những ngày giỗ chạp, khi anh thăm hỏi ông bác, bà cô, khen những cháu con ngoan hiền học giỏi, giúp đỡ người chòm xóm bệnh tật ốm đau. Hình ảnh anh bình dị ngồi chơi cờ với khách ven đường. HÌnh ảnh anh kêu gọi mọi người giữ gìn thuần phong mỹ tục. Nhắc nhở mọi người đừng quên tổ quên tiên, uống nước thì phải nhớ nguồn. Mà từ đó, tộc họ ta đã dựng xây được một truyền thống tốt đẹp là nâng đỡ người đi trước, khuyến giúp trẻ theo sau

Anh Thanh,

Dẫu có nói bao nhiêu lời. Dẫu có kể bao nhiêu chuyện. Thì cũng không sao đủ hết những gì tốt đẹp anh đã tiên phong làm, đã mang lại cho quê hương, cho bà con nhân dân Đà Nẵng.

Dẫu có rớt bao nhiêu nước mắt cũng không hết niềm đau của họ hàng, của gia đình thương xót anh…

Hôm nay, trong giờ phút nghĩa tình , trong khắc giây vĩnh biệt. Nhớ một câu đối mà người anh em trong tộc đã viết tặng anh:

KẺ SĨ, ĐÂU MÀNG CHI VƯƠNG BÁ
ANH HÙNG, BẤT LUẬN VẪN DANH THANH

Anh đâu lụy anh hùng. Anh đâu màng vương bá. Anh luôn là người nông dân chân chất Nguyễn Bá Thanh, người chủ nhiệm hợp tác xã của nhân dân. Người con nhân ái, hiền hòa, mộc mạc của tộc họ, quê hương!

Nay chúng tôi, những người anh em Nguyễn Bá, thắp nén hương lòng khóc thương anh. Mong anh yên vui và mỉm cười nơi cõi vĩnh hằng!

Ngậm  ngùi xin tiễn biệt anh!...

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Vĩnh biệt anh Nguyễn Bá Thanh

Anh Thanh ơi!
Em nói với con em khi nghe tin rằng, thôi, đừng buồn, để bác đi, bệnh nặng không chữa được mà bác cầm cự thế thể xác cũng đau đớn lắm.
Rồi em cắn môi, đi lên lầu và khóc rống lên. Rất lâu rồi từ khi ba mạ em mất em mới thế này.


Anh không phải người ruột thịt của em, em không thân anh như nhiều người khác, và em vẫn nhớ, rất lâu rồi, có lần anh nói với anh Nguyễn Công Khế sếp em rằng, thằng Thịnh nó có văn hóa, suy nghĩ sâu, viết lách nhiều ý tứ nhưng tui cứ quay lưng thì nó thụi tui cái.
Khi anh rời Đà Nẵng, thấy em trên đường, anh dừng xe lại, đưa cái túi giấy, em hỏi chi ri anh, anh nói, thuốc lá đó, xách về mà hút cho mau chết.

Chỉ là những chuyện nhỏ thế thôi mà sao em thấy Đà Nẵng hôm nay trống vắng quá.

Anh!
Đường hoa rực rỡ, lễ hội ánh sáng đêm nay lung linh là để tiễn anh đi. Với em và nhiều người, anh xứng đáng đi trên những con đường ấy, trong ánh sáng lung linh ấy.


Em và nhiều người sẽ luôn thấy anh hiển hiện trên những con đường, trên những cây cầu, trong những khu nhà chung cư, trong các con hẻm chưa được tươm tất lắm, như vẫn thấy anh ngồi chơi cờ bệt dưới gầm cầu sông Hàn, vẫn thấy anh đâu đó, rất gần và cũng rất xa. Hình như, đó là chốn thiên đường đó anh.

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Xúc phạm...con ruồi


Cách đây vài năm, khi các loại nước giải khát của Tân Hiệp Phát xuất hiện dày đặc với cái tên đốc- tờ Thanh trên báo chí, truyền hình và nhờ đó lượng tiêu thụ rất cao thì đã có rất nhiều người tiêu dùng mang chai nước lợn cợn đến các cơ quan báo chí phản ánh, cũng nhiều báo lên tiếng nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Nước của đốc- tờ có loại được quảng cáo là chế từ thảo dược cung đình trong khi người ta phát hiện một kho hương liệu, hóa chất quá đát dùng để chế nó.
Gần đây, Tân Hiệp Phát gắn liền với chuyện “con ruồi”. Họ ứng xử với người tiêu dùng theo cách, lợi dụng sự không hiểu biết của người dân về pháp luật để bẫy họ vào vòng lao lý. Có thể nói không ngoa, họ ứng xử theo kiểu cậy thế cậy thần.
Hôm nay đọc báo, thấy họ đăng thông báo chính thức về con ruồi. Một thông báo rất trịch thượng.
Cái này được gọi là “xử lý khủng hoảng truyền thông doanh nghiệp” có sách dạy hẳn hoi, đáng tiếc là người làm truyền thông cho công ty này đã không áp dụng theo sách mà áp dụng theo giọng của ông chủ đốc tờ.
Mà không cần sách dạy, ai cũng biết, không có gì hay hơn sự chân thành và cầu thị. Một người đi qua dẫm vào chân mình, mình tức điên lên, muốn đạp cho nó phát, nhưng nó quay lại xin lỗi (với vẻ mặt của người có lỗi chứ không phải nhơn nhơn) chắc chắn người bị dẫm chân đau điếng cũng phải nói, OK, không có gì.
Trong trường hợp này, nếu Tân Hiệp Phát muốn thông báo thì nên thông báo: Mời các cơ quan liên quan vào kiểm tra dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát (để biết là con ruồi không thể lọt vào).
*
Dân gian có câu truyền khẩu dù được chế từ một câu hay và rất phạm thượng nhưng cũng xin nói ra: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ mình không tiền/ Đào núi và lấp biển/ Không làm được thì thuê”.
Dân gian không sai hết nhưng không đúng hẳn, bởi vì có vài thứ tiền không mua được, trong đó có lòng tin.
Nói thế là vì, hôm qua có anh bạn bảo con, mỗi lần con muốn uống chai nước đó, hãy nghĩ mình sắp ghé miệng vào cái bồn cầu. Anh này cực đoan nên đã nói quá lời nhưng đó là cái lý của anh ta.
*
Còn Babel tôi thì thông báo chính thức: Từ nay không muốn nghe lại câu “con ruồi Tân Hiệp Phát”, không muốn nghe mọi người nói: nói thế thì xúc phạm…con ruồi!
Vì sao? Vì tôi không bao giờ uống. Thế thôi!

Người phát ngôn của anh Babel tuyên bố

Ngày mai, anh Babel sẽ đi kinh lý (làm công tác xã hội-từ thiện) các tỉnh Trung Kỳ và đương nhiên sẽ ghé quê hương Quảng Bình. Người phát ngôn của anh Ba(bel) tuyên bố:
1. Tuyệt đối không mời anh Ba ăn sáng và uống café ở Coco và những nơi trưởng giả vay tiền ngân hàng mua xe hơi tụ tập làm le.
2. Tuyệt đối không được hỏi anh Ba đã mua xe chưa.
3. Tuyệt đối không được hỏi con anh Ba đã kiếm được biên chế chưa.
4. Tuyệt đối không được khoe Tổng bí thư vừa về làm việc ở tỉnh ta.
5. Tuyệt đối không được khoe Pacific Airlines vừa mở tuyến máy bay giá rẻ Đồng Hới- TPHCM coi đó như một sự kiện trọng đại của tỉnh nhà.
6. Cực lực phản đối những nhà hàng, quán xá chặt chém trong thời gian anh Ba công cán.
7. Khuyến cáo tất cả những ai (nhậu) yếu thì không nên ra gió.
8. Đưa đón anh Ba bằng taxi Vàng Đồng Hới 0523 797979. Không đi bất kỳ taxi nào của hãng khác. (Anh ba có xe nhưng biển số xanh không đi hàng quán được).
9. Đi nhậu với anh Ba không được đi bằng xe đang nợ tiền ngân hàng.
10. Tuyệt đối không bàn chuyện nhân sự của tỉnh nhiệm kỳ tới vì ai làm quê anh Ba cũng nghèo và…quê như nhau.
ĐẶC BIỆT LƯU Ý: KHÔNG CHĂNG BĂNG-RÔN WELCOME MR BA TO QUANG BINH
Phát ngôn kết thúc.

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Truyền kỳ người đi xe đạp

Ngày xửa ngày xưa, có một người thu nhập vừa phải, đẹp trai vừa phải nhưng có tính ưa người ta chú ý đến mình. Thấy người ta đi mô tô anh cũng mua mô tô, thấy người ta mua ô tô anh cũng mua ô tô…Nhưng rồi anh chợt nhận ra, dù anh đi mô tô hay ô tô thì ra đường cũng chẳng ai nhìn anh vì những thứ anh mua đều ở mức vừa phải, không có gì nổi bật.
Một hôm anh nằm ngủ, thấy Bụt hiện về, bảo: Con có muốn ra đường ai cũng ngước nhìn không? Anh gật đầu lia lịa. Bụt ghé tai anh thì thầm mấy câu bla bla….. Đoạn biến mất.
Sáng ra, anh lên lầu vác chiếc xe đạp của con trai hồi học phổ thông định cất làm kỷ niệm xuống, bôi dầu mỡ, bơm bánh xe…Mặc bộ áo quần bụi phủi, quàng thêm cái khăn, đeo thêm chiếc kính đen như Bụt bày rồi đạp xe đi làm…
Quả như lời bụt nói, anh đạp xe đến đâu người ta cũng ngoái nhìn. Anh lấy làm đắc ý lắm.
Đêm đó, Bụt lại hiện về, hỏi: Con biết vì sao người ta nhìn con không? Anh thật thà: Dạ không biết nhưng cứ thấy họ nhìn con sướng lắm.
Bụt hiền lành nói: Họ nhìn con vì thấy con chẳng giống ai, chiếc xe thì như đồ đồng nát (đã thế trước giỏ xe còn đeo cái khóa), áo quần thì bụi phủi, trời chưa nắng đã đeo kính đen, chưa lạnh đã quàng khăn… thế mà cứ tưởng người ta hâm mộ mình. Con bị bệnh như bệnh của đa phần người Việt Nam thường mắc, HOANG TƯỞNG!
Nói xong thì biến mất.
THE END