Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

PHIM THƯƠNG NHỚ Ở AI hay đến từng CENTIMET!

Lâu rồi mới xem được một bộ phim truyền hình đáng xem như Thương nhớ ở ai:
Thoạt đầu đọc báo, thấy ồn ào chuyện áo yếm, xem 7 tập đầu rồi mới thấy mấy người làm báo bây giờ có cái nhìn rất bệnh hoạn, nó bao gồm cả sự thiếu hiểu biết và cách tư duy nông choèn choẹt.
Có người viết hẳn một bài khai thác chuyện đạo diễn cấm diễn viên mặc áo ngực khi mặc yếm. Ối trời! Ông bà ta sinh ra cái yếm là áo trong cùng đó mấy cha!
Chuyện mặc yếm đẹp, lẽ thường, mang đến cái đẹp hướng thiện, không có gì phải xoắn.
Xem thêm vài tập rồi viết kỹ, giờ nói qua thế này:
Đề tài của bộ phim có thể không hấp dẫn với đa số giới trẻ nhưng nếu người trẻ không xem thì thật là phí cuộc đời. Vô vàn kiến thức lịch sử và đời sống trong đó.
Phim được làm kỹ lưỡng, chọn diễn viên nhân vật nào ra nhân vật đó.
Bối cảnh diễn ra ở một làng quê Bắc bộ đặc trưng, cực đẹp.
Đạo diễn hình ảnh tuyệt đỉnh!

Âm nhạc siêu phàm!
Phim chứa đựng nhiều triết lý đời sống sâu sắc, không chỉ cho giai đoạn lịch sử đó mà cho cả bây giờ.
Một anh Đột cố nông không biết chữ làm chủ tịch xã có thể ưa bắn ai thì bắn nhưng xao xuyến đến mức không ngủ được khi nghe cô Nương hát ca trù, để rồi bừng tỉnh mà hỏi cả làng có ai biết yêu bao giờ chưa?
Người làng có người ba vợ, bốn con... giật mình, ừ nhỉ, họ chưa bao giờ nói tiếng yêu. (Kiếm đâu ra cái cha đóng vai Đột thiệt là quá đỉnh).
Những người phụ nữ nông thôn quê mùa có thể cấm mấy ông chồng không được lai vãng quanh "con đĩ" Nương nhưng khi các chị làm nhà cho cô ấy cũng làm thêm cái sào phơi vì cô ấy có nhiều áo quần đẹp.
Bi kịch của một giai đoạn lịch sử được tái hiện qua mỗi trường đoạn khiến con tim ta đau đớn nhưng chỉ thương cho mình chứ không thù hận.
Rất tiếc là phim không được chiếu vào giờ vàng, phải chờ mỗi tuần đến chiều chủ nhật. Phải nói là trông chờ.
*
Cũng có mấy thứ vặt vảnh là âm nhạc hay nhưng hơi lạm dụng. Dù nghe rất đã!
Đạo diễn chọn diễn viên, cả diễn viên quần chúng đóng vai người già rất kỹ, kỹ đến từng bàn chân, một lớp người già "Giao Chỉ" nhưng sinh ra con gái thì đẹp quá, nõn quá! 
Một số đoạn thoại từ miệng nông dân ít học lại...thơ quá, nghe không thật.
Con trâu sau cải cách béo láng quá.
Dù thế nhưng phim vẫn hay đến từng.... centimet!
Hiếm khi xem phim mà mình coi kỹ từ đầu rồi chờ nghe ca khúc cuối cùng cho đến hết.
Phải một người đau đáu lắm mới làm được như Lưu Trọng Ninh.
*
Nghe ca khúc này một lần đi, nó thổn thức đến tận tâm can:
Trầu xanh chưa hái, cau đã úa vàng
Thêm một người sang, thuyền không về bến
Nửa đời tìm kiếm mái chèo đa đoan
Nghìn dặm tơ vàng, ai người biết gỡ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét